Thị trường bảo hiểm hàng không trước mùa tái tục năm 2015


Thị trường có lợi cho người mua trong suốt hơn một thập kỷ năm qua.
Cùng với xu hướng dư thừa năng lực tái bảo hiểm toàn cầu, thị trường bảo hiểm hàng không trong suốt hơn một thập kỷ vừa qua được đánh giá là thị trường có lợi cho người mua (soft market). Điều này có thể nhìn thấy qua một số chỉ số sau:
–    Phí bảo hiểm trung bình trong giai đoạn 2001-2013: 2,08 tỷ USD
–    Bồi thường trung bình trong giai đoạn 2001-2013: 1,65 tỷ USD.
–    Phí bảo hiểm giảm từ mức 3,85 tỷ USD năm 2001 xuống còn 1,15 tỷ USD năm 2013.
Số liệu trên cho thấy mặc dù phí bảo hiểm của thị trường này giảm liên tục nhưng các nhà bảo hiểm vẫn có lãi. Dưới đây là thống kê chi tiết của thị trường trong 05 năm gần đây:

Nguồn: Báo cáo Willis tháng 12/2013. Phí ở đây tính trên cơ sở phí của các đội bay có giá trị
bảo hiểm trên 100 triệu USD. Số liệu bồi thường chỉ tính đến các đơn bảo hiểm thân vỏ và trách nhiệm.

Phí bảo hiểm liên tục giảm mặc dù có sự gia tăng liên tục của mức độ và quy mô rủi ro của ngành công nghiệp này. Tuy vậy, các nhà bảo hiểm vẫn được cho là có lợi nhuận khoảng 0,75 tỷ USD. Riêng trong năm 2013/2014, phí định theo thị trường London đối với các chương trình bảo hiểm có giá trị đội bay trên 150 triệu USD năm giảm 11% so với 2012/2013. Các báo cáo phân tích đầu năm 2014 của các nhà môi giới hàng đầu của thị trường hàng không Willis và Aon cho rằng cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi cho năm 2014/2015. Nhưng tất cả đã thay đổi sau một loạt các vụ tai nạn máy bay thảm khốc đã xảy ra trong giai đoạn 09 tháng vừa qua.

2014, một năm được coi là đắt đỏ nhất cho ngành bảo hiểm hàng không thế giới sau sự kiện tấn công khủng bố tại Mỹ 11/9/2001.
Chỉ trong vòng 07 tháng đầu năm, hàng loạt các vụ tổn thất thảm họa đã xảy ra: MH 370 và MH17 của Malaysia Airline (MAS), AH5017 của Air Algerie, GE222 của TransAsia Airways, các vụ tấn công vào sân bay tại  Parkistan, Afganistan và đặc biệt là vụ tấn công của lực lượng khủng bố vào sân bay quốc tế Tripoli của Lybya làm hư hỏng 13 máy bay. Theo một báo cáo của tờ Financial Time, ước bồi thường cho các vụ tổn thất trên là 2 tỷ USD. Riêng vụ tổn thất MH 370, ngoài khoản bồi thường ước tính khoảng 500 triệu USD mà các nhà bảo hiểm phải gánh chịu, MAS và chính phủ Malaysia đã và đang phải chi nhiều trăm triệu USD nữa cho công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích này. Chi phí này không được bảo hiểm trong các đơn bảo hiểm của MAS.

Đơn vị: triệu USD

STT Ngày tổn thất Mã hiệu Hãng hàng không Loại bảo hiểm Ước số tiền BT Ghi chú
1 8.3.2014 MH 370 MAS H&L 500 MAS:Hàng không Malaysia Airline
2 17.7.2014 MH17 MAS H&L 700
3 20.7.2014 N/A N/A Hull 400 13 máy bay bị hư hại do khủng bố tại sân bay Tripoli của Libya
4 23.7.2014 GE222 TransAsia H&L 116  
5 24.7.2014 AH 5017 Algeria Airline L 95  

Ghi chú: Tổn thất số 5 tác giả không có số liệu tổn thất cho phần thân máy bay

Những ảnh hưởng tới thị trường bảo hiểm:
Bảo hiểm hàng không là sân chơi chuyên biệt của một số nhà bảo hiểm, tái bảo hiểm, vì vậy các tổn thất trên chắc chắn sẽ chặn ngang đã giảm phí hơn một thập kỷ vừa qua. Hai mảng thị trường riêng biệt gồm bảo hiểm mọi rủi ro thân vỏ và trách nhiệm (All risk) và bảo hiểm rủi ro chiến tranh (War risk) được dự báo sẽ bị ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau. Đa số các chuyên gia đều cho rằng tỷ lệ phí cho bảo hiểm War risk sẽ tăng gấp ba. Đối với bảo hiểm All risk, mức độ tăng sẽ rất khó dự đoán.

Thị trường Mỹ:
Đây là thị trường bảo hiểm hàng không lớn trên thế giới và có tính đặc thù cao đặc biệt là sau sự kiện 11/9/2001. Theo Ông Matt Drummelsmith chủ tịch của Corporate Aviation Insurance Group, thị trường bảo hiểm Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi các vụ tại nạn thảm khốc trong thời gian qua bởi hai lý do:
–    Một, trong hai vụ thảm họa của MAS, một vụ là do khủng bố vì vậy việc trả bồi thường sẽ do một quỹ riêng biệt của thị trường War risk chi trả, vì vậy phí của các đơn bảo hiểm All risk sẽ không bị ảnh hưởng
–    Hai là các vụ tai nạn xảy ra ngoài nước Mỹ và người được bảo hiểm không phải là cá nhân hay tổ chức của Mỹ.

Có thể thấy thị trường bảo hiểm All risk sẽ không có nhiều thay đổi đột biến tại thị trường Mỹ.
Đối với thị trường War risk, ngay sau sự kiện 11/9/2001, các công ty bảo hiểm từ chối cung cấp bảo hiểm War risk cho thân vỏ, trách nhiệm hành khách, trách nhiệm bên thứ ba. Trước tình hình đó, năm 2002, quốc hội Mỹ đã phê duyệt Chương trình bảo hiểm War Risk Insurance Program thông qua cơ quan Federal Aviation Administration (FAA) của Bộ giao thông Mỹ cung cấp bảo hiểm rủi ro chiến tranh cho các hãng hàng không Mỹ. Theo báo cáo của FAA, đến hết 1/2014, 44 hãng hàng không  Mỹ chuyên trở 99% lượng khách tại Mỹ đã mua hiểm rủi ro chiến tranh từ FAA. Tuy nhiên tính đến 8/2014, 17/44 hãng hàng không này đã không tham gia FAA và mua bảo hiểm rủi ro chiến tranh qua các công ty bảo hiểm vì chi phí thấp hơn. Theo quan điểm của tác giả, trước những nguy cơ khủng bố khó lường trước trong giai đoạn hiện nay và xu hướng các công ty hàng không của Mỹ đã mua bảo hiểm rủi ro chiến tranh qua các công ty bảo hiểm, thị trường War Risk của Mỹ có thể sẽ tăng phí trong mùa tái tục năm tới. Tuy nhiên phí sẽ không thể tăng cao vì hiện nay FAA vẫn tiếp tục trình Quốc hội dự thảo mở rộng chương trình FAA sau khi đã hết hạn vào ngày 30.9.2014, nếu dự thảo này được thông qua cho 2015, các công ty hàng không của Mỹ vẫn có thể tìm kiếm năng lực bảo hiểm vào FAA nếu chi phí  mua bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm tăng cao.

Thị trường ngoài Mỹ:
Theo các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, các nhà định phí (Underwriter) tại thị trường Lloy’d và các nhà tái hàng đầu thế giới  sẽ phản ứng nhanh chóng với các vụ tổn thất trên trong mùa tái tục 2014/2015 nhằm bù đáp cho các tổn thất đã xảy ra trong thời gian qua.

Bảo hiểm War risk: Theo ước tính của tạp chí Financial Times, các nhà bảo hiểm sẽ phải chi trả khoản tiền bồi thường 600 triệu USD chỉ riêng cho các tổn thất lớn trong năm so với lượng phí thu được khoảng 60-80 triệu USD cho năm 2014. Sau sự kiện ngày 11/9/2001 thị trường đã tăng phí gấp bốn lần và ở thời điểm hiện nay, mọi người dự đoán rằng phí của thị trường bảo hiểm rủi ro chiến tranh sẽ tăng gấp ba. Tuy nhiên đà tăng phí sẽ khó duy trì lâu bởi thị trường hiện nay đang dư thừa năng lực tái bảo hiểm. Các nguồn vốn giá rẻ sẽ nhanh chóng chặn đà tăng phí và kéo thị trường về điểm cân bằng mới. Phí cho các khu vực và các hãng hàng không cũng khác nhau phụ thuộc vào trình độ quản lý rủi ro của hãng hàng không, kinh nghiệm phi công, hành trình bay…

Bảo hiểm All risk: Các nhà tái bảo hiểm đứng đầu cho đơn bảo hiểm All risk và War risk hiện nay đang chia sẻ trách nhiệm 50/50 đối với tổn thất thân máy bay MH 370 của MAS bởi hiện nay các nhà chức trách vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân của tổn thất là do hành động khủng bố hoặc cố ý hay là do một nguyên nhân khác. Nếu được xác định là khủng bố, trong năm 2014 thực chất chỉ có 02 vụ rơi máy bay của Ah 5017 và vụ rơi máy bay của GE222 của TransAsia Airways thuộc trách nhiệm của đơn bảo hiểm All risk. Về thực tiễn hai thị trường All risk và War risk là tách biệt, như vậy về cơ bản thị trường All risk năm 2014 không có nhiều khác biệt với năm 2013 bởi trong năm 2013 cũng chứng kiến 04 vụ tai nạn máy bay thảm khốc gồm: Cháy máy bay hãng Hàng không Asiana ngày 6.7.2013 tại San Francisco, rơi máy bay của Linhas Aereas Mocambique ngày 29.11.2013, rơi máy bay của Lao Airline ngày 16.10.2014, Lion Air ngày 13.4.2013. Các vụ tổn thất này đốt ví của các công ty bảo hiểm trên 500 triệu USD.

Mùa tái tục năm 2015 sẽ chứng kiến mức tăng phí sau những tổn thất đã xảy ra năm 2013 và 2014. Tuy nhiên mức độ tăng bao nhiêu thì vẫn là một ẩn số.

Theo ông Philip Smaje giám đốc mảng môi giới hàng không của Willis, thời điểm hiện nay vẫn là quá sớm để phán đoán về mức giá cho năm tới. Vốn tái bảo hiểm dư thừa sẽ ngăn đà tăng giá của thị trường bảo hiểm mọi rủi ro và trách nhiệm. Cũng theo ý kiến của ông Garrett Hanrahan, giám đốc hàng không của Marsh L.L.C. Underwriters, các công ty bảo hiểm sẽ tiếp cận thị trường theo một cách thức thận trọng hợp lý và sẽ không có những phản ứng thái quá đối với các tổn thất gần đây. Có thể thấy rằng thị trường bảo hiểm thân và trách nhiệm sẽ phản ứng thận trọng trước các thất vừa qua. Phí sẽ tăng trong mùa tái tục 2014/2015, tuy nhiên việc vốn tái bảo hiểm vẫn tiếp tục được đổ vào thị trường tái bảo hiểm (đạt ngưỡng 570 tỷ USD vào 30.6.2014, tăng 6% so với năm 2013- Báo cáo của Aon Befield H1-2014) sẽ sớm chặn đà tăng phí của thị trường này.

Thị trường hàng không Việt Nam:
Phí bảo hiểm của thị trường Hàng không Việt Nam 06 tháng năm 2014 đạt 260 tỷ VNĐ giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2013. Mức giảm này phù hợp với xu hướng giảm chung của thị trường thế giới. Tuy nhiên trước xu hướng tăng phí chung của thị trường WAR risk và All risk trên thế giới, các đội bay lớn của Việt Nam như: Vietnam Airline, Jetstar Pacific Airlines tái tục vào cuối quý 4/2014 sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Đội bay của VietJet Air, Air Mekong tái tục vào Q3/2015 có thể sẽ chịu ảnh hưởng tăng phí ít hơn so với các đội bay khác nếu như thị trường không có thêm các tổn thất thảm họa khác.

Nguồn: Tổng hợp

Các tin liên quan